2 Loại sâu đục Trái Mận và Cách xử lý an toàn nhất
Đặc điểm của sâu đục trái mận
Cây mận cứ tới mùa là trái bị một loài sâu nhỏ cỡ như đầu chân nhang, có màu đỏ hồng đục vào bên trong gây hại nặng, phân chúng thải ra là các cục nhỏ li ti màu đen.
Vào mùa mưa, mận lại bị một loại sâu màu trắng vàng, dài cỡ 5-7mm trông giống như con dòi, tấn công làm thối trái.
Loại màu đỏ hồng nói trên chính là sâu đục trái mận, loại này có thể gây hại quanh năm, nhưng nặng nề nhất là vào mùa khô.
Còn loại sâu trắng vàng như dòi là ruồi đục trái, con mẹ của chúng chính là một loài ruồi có màu nâu nhạt, so với ruồi nhà thì nhỏ hơn một chút, trông bề ngoài thì có vẻ giống con ong.
Ruồi đục trái dùng ống đẻ trứng chọc thủng vào vỏ trái rồi đẻ trứng vào bên trong. Sau khoảng 2 ngày thì trứng bắt đầu nở thành sâu non như mô tả bên trên, sâu gây hại nặng nhất vào mùa mưa.
Biện pháp phòng trừ sâu đục trái mận
1. Phương pháp chung
Tiến hành bao trái bằng loại bao chuyên dùng cho mận từ khi vừa tượng trái. Biện pháp này vừa giúp bảo vệ trái, không tốn tiền mua thuốc, công sức phun xịt, lại không gây ngộ độc thuốc trừ sâu cho người phun và người tiêu dùng.
Kiểm tra và cắt tỉa những nhánh và cành không cần thiết, dọn vệ sinh vườm mận luôn sạch sẽ, giữ thông thoáng để hạn chế nơi trú ngụ của con trưởng thành.
2. Đối với sâu đục trái
Định kỳ kiểm tra vườn mận, khi phát hiện khoảng 5% số bông hoặc 5% số trái vừa tượng bị sâu hại thì phun ngay một trong các loại thuốc trừ sâu như: Fastac 5EC, Decis 2.5EC, Vifast 5ND, Sherpa 10EC/25EC, Cyperan 5EC/10EC/25EC, Polytrin P440EC, Polytrin C440EC…
Tuyệt đối không được phun xịt thuốc khi sắp thu hoạch trái, cần tuân thủ đủ thời gian cách ly để đảm bảo an toàn cho người tiêu dùng.
3. Đối với ruồi đục trái
- Nên thu hái trái sớm hơn bình thường, không nên để trái chín quá lâu trên cây.
- Thu nhặt hết các trái rụng ở gốc mang đi tiêu hủy để tận diệt dòi còn nằm bên trong.
- Dùng Vizubon-D để dẫn dụ con trưởng thành (ruồi) và tiêu diệt chúng.
Không nên xịt thuốc trực tiếp thuốc hóa học lên trái mận, bởi vì vỏ trái rất mỏng, thuốc dễ bị ngấm vào trong trái, gây ảnh hưởng cho người ăn.
Mặt khác, dỏi của ruồi đục trái thường gây hại lúc sắp thu hoạch, nếu xịt thuốc lúc đó thì chắc chắn sẽ không đảm bảo đủ thời gian cách ly.
Một giải pháp khác là, ghép vào gốc giống mật cũ bằng thân giống mận Ấn Độ tạo ra chủng mận mới có năng suất cao, ăn ngon và ngọt. Giống mận Ấn Độ này có vỏ dày và thịt chắc nên có thể hạn chế được ruồi đục trái.