Cách pha và sử dụng thuốc bảo vệ thực vật tiêu chuẩn
Sử dụng thuốc bảo vệ thực vật phải đúng cách từ khâu mua nguyên liệu, cách pha cho đến thao tác phun thì mới mang lại hiệu quả cao. Ngoài ra, bà con cũng cần nắm vững một số nguyên tắc như những loại thuốc nào có thể pha chung, loại nào pha trước, loại nào pha sau.
Nếu mix không đúng loại hoặc pha không đúng thứ tự có thể làm mất tác dụng của thuốc. Vì vậy, trong bài viết này Fao sẽ bật mí với bạn cách pha thuốc bảo vệ thực vật chuẩn nhất.
Cách pha chế thuốc bảo vệ thực vật
Các nhóm thuốc có thể pha chung với nhau
Pha con chú ý khi pha chỉ nên kết hợp các thuốc bảo vệ thực vật thuộc các nhóm gốc khác nhau mới mang lại hiệu quả cao. Chẳng hạn thuốc nhóm lân có thể phối hợp theo nhóm như: cacbamat, cacbamat + cúc, cacbamat + điều hòa sinh trưởng, lân + cúc, thuốc vi sinh phối hợp với gốc lân hoặc cúc.
Chỉ nên kết hợp các thuốc có công dụng khác nhau như: tiếp xúc, xông hơi, vị độc, nội hấp, lưu dẫn…
Nên phối hợp thuốc trừ sâu với thuốc trừ cỏ, thuốc trừ sâu với thuốc trừ bệnh, thuốc trừ cỏ với phân bón…
Các nhóm thuốc không nên pha chung với nhau
Bà con chú ý không nên kết hợp thuốc trừ bệnh với chất điều hòa sinh trưởng hoặc phân bón qua lá.
Không được pha chung thuốc trừ bệnh có nguồn gốc chất kháng sinh với thuốc trừ sâu vi sinh…
Không pha chung thuốc trừ sâu, trừ bệnh với các loại thuốc gốc đồng như Coper B , Coc 85. Vì thuốc trừ sâu, trừ bệnh có tính axit, trong khi thuốc gốc đồng có tính kiềm cao. Nếu pha chung với nhau chúng sẽ trung hòa làm giảm hiệu quả của các loại thuốc.
Có thể kiểm tra trước bằng cách lấy mỗi loại thuốc một ít pha chung vào một cốc thủy tính, sứ hoặc nhựa, khuấy nhẹ cho hòa tan. Đợi 5 phút nếu thấy có hiện tượng kết tủa bên dưới, đóng vàng trên bề mặt, sủi bọt, bốc khói tỏa nhiệt hoặc biến đổi màu bất thường thì không nên pha trộn chung các loại thuốc đó.
Khi khẳng định trộn được 2 loại thuốc với nhau, trong quá trình pha chế nên lần lượt cho loại thuốc thứ nhất vào bình rồi cho nước vào khoảng nửa bình rồi khuấy đều sau đó mới cho loại thuốc thứ hai vào rồi tiếp tục thêm nước cho đầy bình, đến khi đủ lượng nước mình cần pha.
Lưu ý: Trước khi pha thuốc, trong bình phải chứa lượng nước vừa phải, không đực cho hai loại thuốc vào cùng một lúc.
Nếu kết hợp hai loại thuốc để trừ hai nhóm đối tượng khác nhau (thuốc trừ bệnh và thuốc trừ sâu) thì cần giữ nguyên nồng độ mỗi loại thuốc như khi dùng riêng.
Nếu kết hợp hai loại thuốc có cùng đối tượng diệt trừ là sâu hoặc bệnh thì có thể giảm nồng độ một hoặc cả hai loại thuốc, mức giảm nhiều nhất là một nửaa, nhưng lượng nước phun phải đủ theo yêu cầu.
Riêng các loại thuốc trừ cỏ, không được pha chung với nhau hoặc với thuốc trừ sâu bệnh nếu chưa có hướng dẫn trên nhãn thuốc hoặc kiểm tra thử như hướng dẫn nêu ở phần trên.
Tất cả thuốc sau khi pha phải phun ngay và không nên pha quá 2 loại thuốc với nhau.
Những nguyên tắc cơ bản khi sử dụng thuốc bảo vệ thực vật
1. Chế phẩm ở thể rắn khi dùng không cần hòa với nước
Thuốc thể rắn (ký hiệu là H, G, Gr)
Có kích thước bằng hạt cát, hạt gạo và tương đối đồng đều. Màu sắc thay đổi tùy thuộc loại thuốc, đa số các loại thuốc hạt dùng chất tải (chất độn) là các hạt cát thô kích thước tương đối đồng đều được bao bên ngoài một lớp thuốc kỹ thuật theo tỷ lệ định trước.
Hàm lượng hoạt chất trong thuốc hạt thường không cao, chỉ khoảng 10%. Ví dụ: Diaphos (Diazinon) 10H, Mocap 10G.
Thuốc hạt được dùng để rải trực tiếp lên đất (không cần hòa nước, không trộn thêm tro, vôi hay đất bột) với liều lượng theo hướng dẫn của nhà sản xuất để trừ sâu, trừ bệnh, cỏ dại…
Thuốc bột rắc (ký hiệu là BR, D)
Thuộc thể rắn, hạt mịn, màu sắc thay đổi tùy từng loại thuốc. Hàm lượng hoạt chất trong thuốc bột rắc cũng không cao, chỉ 5-10%. Thuốc được dùng phun trực tiếp lên mặt đất, lên cây hoặc trộn với hạt giống nhưng không hòa với nước.
Ví dụ: Thuốc trừ sâu Sumithion 5D
Hiện nay thuốc bột rắc ít được dùng bởi nhược điểm của chúng là khi phun trên đồng ruộng thuốc dễ bị mưa rửa trôi hoặc gió cuốn đi xa.
2. Chế phẩm ở thể rắn phải hòa với nước trước khi dùng
Thuốc hạt phân tán trong nước (ký hiệu là WG, WDG)
Thuộc thể rắn, có dạng hạt thô, màu sắc tùy mỗi loại thuốc, được hòa với nước trước khi phun lên cây. Khi hòa vào nước, hạt thuốc sẽ rã ra và phân tán đều trong nước như một huyền phù.
Dạng thuốc này có ưu điểm là khi cân, đong không bị bụi như thuốc dạng bột thấm nước, do đó giảm được khả năng gây độc với người sử dụng. Khi đã hòa tan vào nước, thuốc có đặc trính giống như thuốc bột thấm nước.
Ví dụ: Thuốc trừ sâu Bacilllus thuringensis var, Xentari 35 WDG, Kurtaki, thuốc trừ cỏ Rovral 500 WG.
Thuốc bột thấm nước (ý hiệu là BTN, DF, WP)
Thuộc thể rắn, hạt mịn, màu sắc tùy từng loại thuốc, được hòa với nước trước khi phun lên cây. Khi hòa vào nước hạt thuốc sẽ lơ lửng trong nước hình thành một huyền phù, có màu trắng hoặc hơi đục tùy theo màu của thuốc ở dạng bột.
Ví dụ: Thuốc New Kasuran 16,6BTN và Applaud 10 WP.
Thuốc bột tan trong nước (ký hiệu là SP, WSP)
Thuộc thể rắn, hạt mịn, màu sắc tùy từng loại thuốc. Cần hòa với nước trước khi phun lên cây. Khi hòa vào nước, thuốc tan hoàn toàn trong nước, nhưng không còn thấy các hạt thuốc lơ lửng trong nước như trường hợp bên trên.
Ví dụ: Thuốc trừ sâu Padan 95SP.
3. Chế phẩm ở thể lỏng khi dùng không hòa loãng với nước
Thuốc ULV: Có dạng lỏng, bao gồm hoạt chất được hòa tan trong một dung môi đặc biệt và có thêm một số phụ gia khác. Thuốc trong suốt hoặc có màu thay đổi tùy loại thuốc.
Thuốc ULV dùng không cần hòa loãng với nước, mà phải phun bằng một loại máy bơm đặc biệt. Lượng thuốc dùng trên mỗi ha cây trồng thường rất thấp, chỉ khoảng 1 lít/ha.
Hiện nay dạng thuốc này mới được sử dụng để phòng trừ sâu hại cải, bông vải, chưa được sản xuất rộng rãi.
Ví dụ: Thuốc trừ sâu Diazinon 96 % ULV, Vectron 7.5 ULV (Ethofenprox).
4. Chế phẩm ở thể lỏng khi dùng phải hòa với nước
Thuốc nhũ dầu (thuốc sữa, ký hiệu là EC, ND)
Thuốc ở dạng lỏng, trong suốt, màu sắc tùy từng loại thuốc, phải hòa loãng với nước trước khi phun lên cây. Khi mới hòa với chút nước, màu nước thuốc chuyển trắng tựa như sữa. Nếu thêm nước vào, màu trắng đục sẽ nhạt dần.
Ví dụ: Thuốc trừ nấm Bayfidan 25EC, thuốc trừ sâu Bassa 50ND…
Thuốc dạng dung dịch (ký hiệu AS, DD, SC, SL…)
Thuốc ở dạng lỏng, trong suốt, màu sắc tùy từng loại thuốc. Thuốc phải được hòa loãng trước khi phun lên cây. Trường hợp này, đây là loại thuốc tan hoàn toàn trong nước nên trước hay sau khi pha đều là dung dịch trong suốt.
Ví dụ: Thuốc trừ sâu Tiginon (Nereistoxin) 18DD, thuốc trừ nấm Kasumin 2L.
Thuốc dạng huyền phù (ký hiệu là AP, F, FL, HP)
Thuộc dạng lỏng, sánh. Thường có màu trắng đục hoặc tùy từng loại thuốc, ở trong bao bì thuốc dễ bị lắng, nên cần lắc cho hòa đều trước khi rót đong thuốc.
Loại thuốc này có hoạt chất ở thể rắn, được hòa tan trong các phụ gia ở thể lỏng. Khi hòa với nước để phun lên cây sẽ tạo thành một huyền phù, trong đó các hạt rất mịn lơ lửng đều trong nước.
Ví dụ: Thuốc trừ nấm Carbendazim 500FL, thuốc trừ sâu Ekalux 20AF.
Nếu pha chung các loại thuốc bảo vệ thực vật thì cần phải thực hiện theo các nguyên tắc sau:
W (B) → D → A (H,F) → L → E (N) → S → R → ADJ
Theo chiều từ trái qua pha trước, không được pha ngược lại vì có thể gây kết tủa hoặc mất tác dụng của thuốc.
Ví dụ: Muốn pha chung Dithane 47WP và Anvil 5SC thì ta cần cho thuốc Dithan 47WP vào bình có chứa nước trước, khuấy đều rồi mới đổ thuốc Anvil 5SC vào sau. Ngược lại sẽ làm mất tác dụng của các thuốc.
Bảng Các Dạng Thuốc Bảo Vệ Thực Vật
Dạng thuốc | Chữ viết tắt | Tính chất khi sử dụng |
Nhũ dầu | ND, EC | Thuốc ở thể lỏng, trong suốt. Dễ bắt lửa và cháy nổ, hòa tan trong nước. |
Dung dịch | DD, SL, L, AS | Hòa tan trong nước, không chứa chất hóa sữa. |
Bột thấm nước | BTN, WP, SP, DF, WDG | Dạng bột mịn, phân tán trong nước thành dung dịch huyền phù. |
Huyền phù | FL, FC, SC | Lắc đều khi sử dụng. |
Hạt | H, G, GR | Chủ yếu rải vào đất. |
Dạng sữa | EW | Lắc đều trước khi sử dụng. |
Thuốc bột | D, BR | Không tan trong nước. |