Bệnh lúa von tuy không gây hại lớn, nhưng xuất hiện phổ biến không chỉ ở Việt Nam, mà cả ở nhiều nước trồng lúa. Những năm gần đây, bệnh lúa von ảnh hưởng không nhỏ tới chất lượng nông sản, ảnh hưởng lớn tới kinh tế của bà con nông dân.

Trong bài viết này, Fao sẽ chia sẻ tới bà con về tác nhân gây hại, triệu chứng và cách phòng trừ bệnh lúa von trên đồng ruộng. Nắm bắt được đặc điểm gây hại và các giai đoạn phát triển của bệnh, bà con sẽ có biện pháp xử lý tốt hơn.

Triệu chứng của bệnh lúa von gây hại lúa

Bệnh lúa von trên đồng ruộng

Tình trạng bệnh lúa von trên đồng ruộng phổ biến

Bệnh lúa von có thể xuất hiện và gây hại từ giai đoạn mạ cho đến khi thu hoạch

Bệnh lúa von có thể xuất hiện và gây hại từ giai đoạn mạ cho đến khi thu hoạch

Triệu chứng điển hình là cây lúa phát triển cao vọt, cong queo, lá bị bệnh chuyển màu xanh nhạt, sau đó là màu vàng gạch cua, bị giòn và chết nhanh chóng.

Tình trạng bệnh lúa von trên thân

Tình trạng bệnh lúa von trên thân

Lóng thân cây bị nhiễm nấm gây bệnh lúa von rồi phát triển dài ra, mọc thêm nhiều rễ phụ ở đốt và dễ trông thấy lớp nấm trắng bao quanh thân.

Tình trạng bệnh lúa von trên hạt

Tình trạng bệnh lúa von trên hạt

Những hạt nhiễm bệnh thường bị lửng lép, vỏ hạt màu xám. Có thể trong thấy lớp nấm trắng bao quanh vỏ hạt trong điều kiện ẩm ướt.

Triệu chứng gây bệnh lúa von

Triệu chứng gây bệnh lúa von

Ở điều kiện khô, xuất hiện nhiều chấm nhỏ li ti màu xanh đen trên đốt thân và vỏ hạt, đó là quả thể của nấm gây bệnh.

Nguyên nhân gây bệnh lúa von trên lúa

Bệnh lúa von là do nấm Fusarium moniliforme gây ra với tốc độ lây nhiễm cao. Chúng tiết ra Gibberellin làm cho cây lúa cao vọt và độc tố axit Fusarinic gây kìm hãm sinh trưởng và có thể làm lụi chết cây lúa.

Nấm Fusarium moniliforme gây bệnh vào phôi và tồn tại ở hạt, bào tử phân sinh và quả thể bầu tại vết bệnh thường bị mưa làm rơi xuống đất, tồn tại trong đất và trở thành nguồn bệnh có khả năng xâm nhiễm trở lại trong vòng 4 đến 6 tháng.

Các bộ phận dưới hoặc gần mặt đất như rễ, gốc thân là dễ bị nhiễm bệnh hơn so với các vị trí bẹ lá và đốt thân.

Bệnh phát sinh mạnh khi thời tiết ấm áp, nhiệt độ từ 24-32oC, có độ ẩm cao và ánh sáng yếu. Vụ mùa bệnh sẽ năng hơn so với vụ chiêm xuân.

Biện pháp phòng trị bệnh lúa von

Các biện pháp cần được ưu tiên:

– Những ruộng đã bị bệnh không nên sử dụng làm giống lúa cho vụ sau.

– Sử dụng giống lúa xác nhận, mua tại các Trung tâm, Viện, Trại, Trạm, Trường hoặc nơi cung cấp giống uy tín.

– Hạt giống xác nhận phải đạt tiêu chuẩn là không chứa quá 10 hạt cỏ dại trong mỗi kg hạt giống.

– Khi nhổ mạ đi cây cần chú ý tránh làm đứt chồi và rễ, tránh dập nát cây mạ, như vậy mới hạn chế được sự xâm nhập của nấm bệnh vào bên trong cây.

– Thường xuyên kiểm tra ruộng lúa để phát hiện và kịp thời nhổ bỏ các cây bị bệnh, đem xa khỏi ruộng tiêu hủy.

– Bố trí mùa vụ cho hợp lý, cần sạ thưa và bón phân cân đối giữa đạm, lân và kali giúp cây sinh trưởng, phát triển tốt và giảm bớt tình trạng nhiễm bệnh.

Bệnh chủ yếu tồn trữ trong đất hoặc lây lan qua hạt giống, do đó bước xử lý hạt giống trước khi gieo sạ là rất quan trọng.

Biện pháp xử lý hạt giống:

Trước tiên phải loại bỏ toàn bộ hạt lép lửng và hạt cỏ lẫn trong nguồn giống gieo sạ bằng cách sàng sảy hoặc đãi trong nước. Nếu số hạt có >10 trên mỗi kg giống thì phải xử lý bằng dung dịch nước muối 15%.

Dùng dung dịch nước muối tỷ trọng = 1,13 như sau:

Ngâm lúa giống trong nước sạch từ 24-36 giờ để hạt lúa no nước hoặc ngâm trong nước nóng 54oC trong vòng 15-20 phút.

Lúc này hạt lửng và hạt cỏ thì chưa no nước, vì chúng có lớp vỏ kitin nên chậm hút nước. Chính những hạt lững và hạt cỏ này là mang mầm bệnh, nhưng biện pháp ngâm nước chỉ đãi được hạt lép.

Để xử lý hạt lửng và hạt cỏ, cần ngâm tiếp vào dung dịch muối 15%. Cách pha là: Cho 150g muối ăn (NaCl) vào 1 lít nước.

Mỗi kg lúa giống cần 3 lít dung dịch nước muối. Ngâm khoảng 10 – 15 phút. Ngâm xong thì mang lúa giống đãi với nước sạch nhiều lần cho hết muối rồi mới đi ủ.

Sau mỗi lần xử lý, nếu muốn ngâm lúa giống trong muối thì chỉ cần bổ sung thêm 5% tổng lượng muỗi đã hòa vào dung dịch cũ.

Có thể cho một quả trứng gà mới đẻ vào để thử, nếu trứng nổi lập lờ thì đã đạt yêu cầu, nếu chìm thì thiếu muối, còn nếu nổi hẳn thì nhiều muối quá cần thêm nước.

Dùng hóa chất:

Bạn có thể sử dụng một trong các loại thuốc sau để ngăn chặn bệnh lúa von và các bệnh khác lây qua hạt như bệnh nấm hạch nhỏ, tiêm lửa…

Một là VICARBEN 50HP: Khi hạt giống vừa nhú nhộng, cho vào ngâm trong nước thuốc theo tỷ lệ 0,1% trong 2 tiếng. Ngâm xong mang ủ cho tới khi gieo được, hoặc có thể xử lý khô ở tỷ lệ 0,5 – 1% theo trọng lượng hạt rồi tiến hành ngâm ủ  như bình thường.

Hai là Carban 50SC: Pha tỷ lệ 3 ml / 1 lít nước, ngâm cho 1 kg lúa giống thời gian khoảng 24 giờ.

Ba là: Có thể xử lý hạt giống bằng các thuốc hóa học như Carbendazim, Thiram, Benlate – C (0,25 – 0,5 l/ha) hoặc Rovral 50WP (0,1 – 0,2%)… các chất hóa học khá hiệu quả trong việc diệt trừ nấm trên bề mặt vỏ hạt.

Ở các ruộng sản xuất giống, nhất là giống Jasmine, khi lúa bị nhiễm bệnh thì có thể khống chế bằng cách:

* Phun Vicarben 50HP: Phun 2 lần vào lúc lúa trỗ và lúc vào chắc. Liều lượng phun là 30/00. Thời gian phun vào chiều mát.

* Phun Carban 50SC: Liều lượng 1lít/ha vào chiều mát. Carban 50SC không chỉ tiêu diệt được nấm gây bệnh lúa von, mà còn ngăn chặn được nấm gây bệnh lem lép hạt.

Nguồn: phanbonsongma.vn