10+ Cách diệt trừ Nhện đỏ hiệu quả (kẻ thù của mọi cây trồng)
1. Nhện đỏ là gì?
Nhện đỏ là một loại sâu hại có tên khoa học Tetranychus sp, thuộc họ Tetranychidae, bộ Acarina.
Toàn thân nhện đỏ có màu đỏ, kích thước nhỏ, chúng thường tấn công cây trồng, gây hại và làm ảnh hưởng lớn tới quá trình sinh trưởng của cây.
1.1. Đặc điểm hình thái
Trứng: Rất nhỏ, có hình cầu hoặc hình củ hành, bóng, mọng và thường được đẻ sát gân lá ở cả hai mặt lá (thường là được gắn chặt vào mặt dưới của lá, ở những nơi có tơ do nhện tạo ra trong khi di chuyển). Khoảng 4 – 5 ngày sau trứng nở.
Ấu trùng: Hình bầu dục, có 3 đôi chân. Những ấu trùng sẽ nở ra thành trùng cái thay da 3 lần trong khi những ấu trùng sẽ nở ra thành trùng đực thay da chỉ có 2 lần. Giai đoạn ấu trùng phát triển từ 5 – 10 ngày.
Thành trùng: Thân rất nhỏ khoảng 0,4 mm, thành trùng đực có kích thước nhỏ, khoảng 0,3 mm. Toàn thân phủ lông lưa thưa và thường có màu xanh, trắng hay đỏ với đốm đen ở 2 bên thân mình.
Nhện đỏ có 8 chân, thành trùng cái màu vàng nhạt hay hơi ngả sang màu xanh lá cây. Nhìn xuyên qua cơ thể có thể thấy được hai đốm màu đậm bên trong, đó là nơi chứa thức ăn.
Sau khi bắt cặp, thành trùng cái bắt đầu đẻ trứng từ 2 – 6 ngày, mỗi nhện cái đẻ khoảng 70 trứng. Nhện đỏ hoàn tất một thế hệ từ 20 – 40 ngày.
1.2. Khả năng gây hại
☑ Thường sống ở mặt dưới lá, cả ấu trùng và thành trùng thành nhện đỏ đều ăn biểu bì và chích hút mô dịch của lá cây khi lá bước vào giai đoạn bánh tẻ trở đi làm cây bị mất màu xanh và có màu vàng.
☑ Khi cây bệnh nặng lá cây bị phồng rộp sau đó cằn lại, vàng, thô cứng và cuối cùng sẽ bị khô đi. Màu vàng của lá dễ nhìn thấy nhất là ở mặt dưới lá, làm giảm phẩm chất và năng suất trái. Khi mật số cao, cả cành non cũng bị nhện đỏ tấn công, cành cũng trở nên khô và chết.
☑ Đối với cây ăn quả, nhện đỏ làm cho trái bị vàng, sạm và nứt khi trái lớn. Hoa bị hại có thể bị thui, rụng. Ngoài ra, nhện đỏ còn có thể tuyền bệnh virus cho cây.
1.3. Cách nhận biết
☑ Nếu cây bị nhiễm nhện đỏ, lá cây có thể xuất hiện các đốm vàng. Khi ánh sáng rọi lên lá cây, bạn sẽ nhìn thấy ánh bạc, thậm chí các vệt màu đồng hoặc bạc trên lá.
☑ Kiểm tra xem có các mạng trắng trên cây không. Đây là một dấu hiệu cho thấy sự xuất hiện của nhện đỏ. Mạng nhện thường tập trung xung quanh những nơi ăn của chúng. Tuy nhiên không phải loài nhện đỏ nào cũng giăng mạng.
☑ Để xác định sự xuất hiện của nhện đỏ là lấy một tờ giấy trắng, đặt bên dưới cây mà bạn nghi ngờ có nhện đỏ và rung nhẹ cuống lá. Một số nhện đỏ sẽ rơi xuống giấy. Bạn có thể nhìn thấy chúng rõ hơn qua kính lúp.
☑ Các dấu hiệu hư hại khác bao gồm: lá cây bị méo mó, biến dạng, héo rũ, xuất hiện các đốm, sọc hoặc biến màu trên bề mặt lá. Nếu bị nhiễm nặng, lá cây có thể bắt đầu rụng.
2. Cách phòng nhện đỏ tấn công
2.1. Biện pháp canh tác
- Vào mỗi sáng sớm khi thời tiết còn mát, tưới nước cho cây bằng vòi phun áp lực mạnh lên lá, mục đích là đánh văng nhện ra khỏi lá. Như vậy sẽ hạn chế được sự tấn công của chúng.
- Cần tưới đủ nước cho cây, để cho cây dư nhựa, bởi vì khi bị nhện đỏ chích hút, cây cạn nhựa sẽ bị kiệt sức mà chết.
- Khi tưới nước, đồng thời tưới ướt cả lá, để gây sự vướng víu cho nhện, khiến chúng chậm di chuyển và sinh trưởng kém.
- Không nên trồng hoặc đặt các chậu quá sát nhau để luôn tạo độ thông thoáng cho vườn. Thường xuyên kiểm tra lá cây, đặc biệt giai đoạn lá bánh tẻ trở đi, để kịp thời phát hiện và có biện pháp diệt trừ.
- Tỉa bỏ những cành, lá không cần thiết bên trong tán cây để tán cây luôn luôn được thông thoáng.
- Bón phân dứt điểm thành từng đợt và phải bón cân đối giữa đạm, lân và kali. Nếu vườn bị nhện gây hại nhiều thì nên tăng cường bón thêm phân lân và kali.
2.2. Sử dụng thiên địch
☑ Các loài côn trùng săn mồi như ấu trùng bọ cánh gân (lacewing larvae), bọ trĩ bắt mồi (predacious thrip) và bọ rùa có thể giúp giảm số lượng nhện đỏ nếu được khuyến khích ở lại trong vườn.
☑ Các cây thảo mộc như rau dền và lưu ly có thể thu hút bọ rùa vào vườn, vì vậy nên trồng những loại cây này xung quanh, nhưng tránh trồng quá nhiều sẽ tạo điều kiện cho nhện đỏ phát triển hơn.
☑ Có thể thu mua các loài côn trùng này trên mạng, tại trung tâm làm vườn hoặc thông qua quảng cáo trên các tạp chí.
☑ Một loại nhện bắt mồi cũng có thể được dùng để chống lại nhện đỏ. Đó là loại Phytoseiulus persimilis hoặc các loài nhện bắt mồi khác ở trung tâm làm vườn và làm theo hướng dẫn.
Trong điều kiện thích hợp, nhện bắt mồi có thể làm giảm số lượng nhện đỏ. Điều thú vị là bọ rùa sẽ không đụng đến nhện bắt mồi mà chỉ tấn công nhện đỏ.
3. Cách trị nhện đỏ bằng phương pháp sinh học
3.1. Dùng dầu và nước rửa chén
Cho 2 muỗng canh dầu ăn và nửa muỗng cà phê xà bông vào một cái chén, quấy cho thật đều. Rồi pha với 4 lít nước, lắc đều cho hỗn hợp tan hết. Dùng dung dịch này xịt lên những chỗ có nhện đỏ.
Với sự kết hợp trên, khi bị phun vào người, dầu ăn sẽ dính nhện đỏ lại, nước rừa chén khiến chúng ngạt khí mà chết.
Nếu không có nước rửa chén, bạn có thể thay bằng xà bông tắm, xà bông gội đầu, xà bông nước. Còn dầu có thể dùng dầu nấu ăn, dầu rau cải, dầu nông nghiệp…
Cách làm này cần chú ý tỷ lệ pha, nên căn cứ theo nhiệt độ trời mà xét, để không làm cây bị cháy và chết. Bạn nên xịt thử trên một nhánh nhỏ, nếu không bị cháy thì mới xịt toàn bộ cây.
3.2. Trị nhện đỏ bằng hồ keo
Lấy hồ keo pha với nước thật loãng, lọc cho kĩ, rồi cho vào bình xịt lên chỗ có nhện.
Sau khi hồ khô lại, chúng sẽ dính, khiến chân nhện nhỏ co quắp và chết. Cách này áp dụng vài ngày một lần, làm vài lần là sạch nhện.
3.3. Dùng bột mì, bột gạo hoặc bột năng
Dùng một trong các loại bột trên khuấy đều với nước lạnh, rồi cho nước thật sôi vào, vừa đổ vừa khuấy để tránh đóng cục. Khi hồ đã tan đều, cho thật nhiều nước vào theo tỷ lệ mong muốn (thường thì 1 muỗng cà phê với 2 lít nước).
Dùng khăn để lọc bỏ cặn, cho vào bình xịt và xịt vào chỗ có nhện. Nên xịt vào lúc trời nắng, sau khi bột khô sẽ dính chân và lỗ thở khiến nhện chết.
Sau 1 ngày phun, cần phun lại bằng nước sạch để rửa lá, bởi vì bột cũng bít luôn cả lỗ khí của lá khiến cây không thể thở.
3.4. Dùng tinh dầu diệt nhện đỏ
Khi cây còn nhỏ, lúc nhện chưa xuất hiện hoặc mật độ thấp, thì dùng tinh dầu bạc hà hoặc tinh dầu hương thảo phun lên cây, sẽ tác động vào mắt, da nhện và khiến chúng chết.
3.5. Dùng trà thảo mộc tự pha chế
Pha trà thảo mộc với 1 thìa canh bột quế, 1 thìa canh bột đinh hương và 2 thìa canh gia vị Ý pha cùng 1 lít nước. Đun sôi nước, sau đó tắt bếp.
Khi nước đã nguội bớt, cho thêm khoảng 2 thìa canh (30 ml) tỏi tươi nghiền. Chờ cho nước nguội hẳn, sau đó lọc qua một mảnh vải lấy nước bỏ bã.
Sau đó thêm một chút nước rửa bát vào trà rồi rót vào bình xịt. Xịt vào mặt dưới lá cây bị nhiễm nhện đỏ cách 3 ngày một lần trong 2 tuần. Phương pháp này sẽ tiêu diệt nhện đỏ rất hiệu quả.
3.6. Dùng muối hữu cơ
Hòa với nước và phun lên các cây dễ bị nhiễm nhện đỏ vào buổi tối để tạo môi trường mát và ẩm hơn. Khi đó các loại a-xít béo hoặc muối kali sẽ chà xát vào cơ thể nhện đỏ.
3.7. Dùng dầu neem diệt nhện đỏ
Dầu neem là một loại thuốc trừ nhện hại làm từ hạt của cây neem. Dầu neem rất công hiệu trong việc diệt trừ nhện đỏ, ngoài ra cũng có tác dụng ngăn ngừa và điều trị bệnh phấn trắng.
4. Một số thuốc đặc trị nhện đỏ
Phun các thuốc có hỗn hợp hoạt chất (Chlorantraniliprole + Abamectin)… Chú ý dùng khi dùng thuốc cần luân phiên thuốc để tránh nhện hại nhờn thuốc. Có thể dùng các loại thuốc như Comite, Pegasus, Kelthane, Ortus, Nissorun, dầu khoáng DC- Tron Plus.
Bạn có thể dùng Cinnamite, một loại thuốc trừ dịch hại không độc, được làm từ tinh dầu quế. Mặc dù an toàn và có tác dụng diệt trừ nhện đỏ, nhưng loại thuốc này không diệt được trứng. Vì vậy, phải sử dụng cách khoảng 3 ngày một lần trong 2 tuần để đảm bảo các trứng nhện đỏ mới nở cũng bị tiêu diệt hết.
Đối với một số cây trồng khi bị nhiễm nhện đỏ thì dùng các thuốc cụ thể như:
Cây ớt:
- Thuốc Supracide 40EC: Chứa hoạt chất Methidathion 40% tác dụng tiếp xúc, vị độc mạnh khả năng thấm sâu nhanh, hiệu quả diệt nhện đỏ và sâu cao khi nằm cả mặt dưới lá, hạn chế được rửa trôi khi trời mưa. Nhờ tính thẩm thấu qua lớp sáp nên triệt tiêu nhanh khả năng bám dính của loại nhện này.
- Thuốc Pegasus 500SC: Chứa hoạt chất Diafenthiuron 500g/l tác động tiếp xúc, vị độc và xông hơi, nhện bị tê liệt sau khi phun thuốc, không ăn nên không còn tiếp tục gây hại và chết 2 – 5 ngày sau phun. Ngoài ra Pegasus còn diệt ấu trùng, thành trùng và trứng của một số loại nhện.
Cây cảnh, cây bonsai, cây mai:
- Danitol 10EC: Fenpropathrin 10% w/v tác động tiếp xúc, thấm sâu mạnh, hiệu quả diệt trừ cao đối với nhiều loại sâu và nhện hại trên nhiều loại cây trồng và cây cảnh khác nhau…
- Thuốc Comite 73EC: Propargite tiếp xúc và xông hơi. Nhờ hai tác động diệt trừ nhện hợp lực nên hiệu lực cao diệt được nhện đã kháng các loại thuốc khác.
- Ortus 5SC: Fenpyroximate 5% đặc hiệu trừ nhện, diệt trừ tất cả các giai đoạn phát triển của nhện nên hiệu lực rất cao và kéo dài. Không mùi, dùng để tiêu diệt nhện đỏ rất hiệu quả.
Kết luận:
☑ Phương pháp kiểm soát sinh học tốt hơn hóa học, vì nhện đỏ thường kháng thuốc trừ sâu rất nhanh.
Thêm vào đó thuốc trừ sâu cũng tấn công cả các loài côn trùng săn mồi khác vốn có khả năng kiểm soát tình trạng nhiễm nhện đỏ và lập lại sự cân bằng trong tự nhiên. Do đó phải thận trọng hơn khi sử dụng.
☑ Việc diệt trừ nhện đỏ có thể rất khó khăn vì vậy để thành công bạn phải kiên trì, cố gắng không tạo điều kiện thích hợp cho nhện đỏ phát triển (độ ấm, nơi ẩn nấp và một chút độ ẩm đối với hầu hết các loài, khô ráo hoàn toàn với một số loài khác).
☑ Một số virus thực vật lây truyền qua nhện đỏ. Đây cũng là một lý do xác đáng để tiêu diệt chúng.
☑ Có thể pha thêm thuốc sát trùng vào thuốc dính hoặc dầu sẽ tăng hiệu quả diệt nhện. Thuốc sát trùng diệt nhện đỏ có bán trên thị trường rất nhiều.