Sâu đục quả Cà Chua và Biện pháp phòng trừ kịp thời nhất
Đặc điểm các loại sâu đục quả cà chua
1. Sâu khoang
Khi còn nhỏ, sâu xanh sống quanh ổ trứng, chúng gặm ăn chất xanh, chỉ chừa lại biểu bì.
Khi lớn, dần bò đi các khu vực xung quanh, tuổi 3 đã phân tán gần hết, lúc này sâu ăn rất tạp, chúng cắn thủng lá hoặc khuyết lá thành mảng.
Khi cà chua đậu quả, sâu đục vào trong ăn ăn, chúng thường đục từ cuống quả vào phía trong ăn phần thịt quả.
2. Sâu xanh H.armigera
Sâu xanh H.armigera phá hại các búp non, nụ, hoa, đối với quả chúng cắn đứt cuống quả làm quả rụng. Sâu còn đục vào trong thân làm rỗng thân cây và cắn điểm sinh trưởng.
Khi quả còn non, sâu đục từ giữa quả với vết lỗ đục gọn. Chúng thường chui một nửa thân, còn phần đuôi vẫn ở ngoài, phân sâu bám mía ngoài quả.
Khi quả già và chín, sâu thường đục từ cuống quả rồi chui vào nằm gọn bên trong. Khi đó không đùn phân ra bên ngoài.
Những quả cà chua bị sâu hại có thể bị rụng hoặc thối nhanh chóng khi gặp trời mưa. Chất lượng quả giảm sút, ăn không được vì có mùi hôi khó chịu, cả gia xúc còn chê :D.
3. Sâu xanh H.assulta
Triệu chứng gây hại trên quả cà chua khá giống sâu xanh H.armigera, chỉ khác ở vết đục của sâu non là không gọn mà nham nhở, để lại vết bẩn khi sâu đã chui vào trong quả. Khi gặp trời mưa quả dễ thối hơn.
Mặt khác khi sâu ăn lá gây ra các lỗ thủng trên lá, lúc đục vào quả thì theo đường xoáy trôn ốc. Lúc tuổi 4 – 5 – 6 chủ yếu phá hại nụ quả.
Thời gian gây hại của sâu đục trái cà chua
Cả ba loài sâu đục quả cà chua này đều phá hại quanh năm trê tất cả các vụ trồng cà chua. Trong đó:
- Vụ xuân hè là hại nặng, tỷ lệ cây bị hại có thể đến 100% và quả bị hư hỏng nghiêm trọng.
- Vụ thu đông trồng sớm (trong tháng 8, tới giữa tháng 9) còn bị hại nặng hơn vụ chính.
Biện pháp phòng trừ sâu đục quả cà chua
Luân canh các cây trồng khác không phải là ký chủ của sâu.
Cần làm kỹ đất trước khi trồng ở vụ sau để tiêu diệt nhộng còn sống trong đất, sử dụng thuốc hạt như Vibasu 10H hoặc Diaphos 10G để xử lý đất.
Thường xuyên kiểm tra ruộng để ngắt bỏ ổ trứng và loại bỏ những trái bị hư.
Ở những vườn thường bị dịch sâu đục trái cà chua, tiến hành cắt tỉa bớt các chùm hoa khi cây cà chua đã ổn định số chùm trái non.
Thuốc trị sâu đục trái cà chua
Có thể trồng các cây dẫn dụ để thu hút 3 loài sâu này đến để tiêu diệt giúp làm giảm mật độ sâu hại trên cà chua. Cây dẫn dụ là cây khácđược loài sâu này ưa thích như các loại đậu (đậu xanh, đậu tương, đậu côve…), thuốc lá…
Hoặc làm bả độc để thu hút và tiêu diệt sâu trưởng thành tới đẻ trứng:
- Với sâu xanh thì làm bả độc từ oxalat amonium hoặc axit oxalic trộn với đường và 1% Padan 95SP hoặc Dipterex 80%.
- Với sâu khoang thì làm bẫy chua ngọt gồm: 4 phần giấm + 4 phần mật mía (hoặc nước đường 50%) + 1 phần nước chứa 1% Padan 95SP hoặc Dipterex 80WP.
Đối với sâu đục trái, việc phun thuốc bảo vệ thực vật chỉ hiệu quả ở thời điểm sâu non mới nở còn chưa đục vào trái, vì đặc điểm của thuốc là ức chế sự hình thành lớp Cutin ở sâu.
Sử dụng một trong các loại thuốc trừ sâu vi sinh như: Dipel 3.2WP, ViBT 1.600WP, Map-Biti WP, Biocin 16 WP, Denfil WP, Firi-P1.600IU, chế phẩm NVP, chế phẩm BT (Bacillus thuringiensis) hoặc nhóm thuốc có điều hòa sinh trưởng côn trùng như: Atabron 5EC, Nomolt 5EC, Match 50ND…
Chú ý: Các nhóm thuốc trừ sâu vi sinh trị sâu đục quả chỉ có tác động vị độc, do đó nên pha thêm chất bám dính trong mùa mưa để đạt hiệu quả cao.
Sử dụng một trong thuốc trừ sâu hoá học: Padan 95SP, Regent 800WP tiêu diệt cả trứng và sâu non ở tuổi 1 – 2. Các loại thuốc: Sherpa 25EC, Sokupi 0.36AS, Karate 2.5EC, Sevin 80SP, Dipterex 80WP… trừ được sâu non mới nở ở tuổi 1 – 2.
Kinh nghiệm cho thấy đối với cà chua vụ xuân hè và cà chua thu đông:
Trồng trong tháng 8, khi xuất hiện 1 trong 3 loài sâu này hoặc khi cây cà chua ra chùm đầu tiên cần phun phòng định kỳ 7 – 10 ngày/lần bằng một trong các loại thuốc Sherpa 25EC, Sokupi 0.36AS, Karate 2.5EC, Sevin 80SP, Dipterex 80WP…
Hoặc 8 – 12 ngày/lần đối với thuốc trừ sâu sinh học cho Regent 800WP và Padan 95SP cho hiệu quả phòng trừ cao.
Nồng độ, liều lượng và thời gian cách ly theo hướng dẫn trên bao bì của nhà sản xuất.
Khi đã lớn, sâu non ở tuổi 4 – 5 – 6 nằm trong quả cà chua thì có phun cũng vô tác dụng.
Nguồn: Khoa học và Đời sống, số 4 (1826), 13/1/2006, tr 10