Cà tím là loại cây rất ít bị sâu bệnh hại và tương đối dễ trồng chăm sóc. Tuy nhiên, vào mùa mưa, là thời điểm thuận lợi cho sâu đục quả cà tím tấn công, ảnh hưởng lớn đến năng suất và phẩm chất của trái.

Quả cà tím có kích thước lớn, sâu đục không tấn công toàn bộ được mà chỉ cục bộ một phần. Tuy nhiên, sâu tấn công vào trong rất gọn gàng, cần phải có biện pháp diệt trừ từ trước khi chúng chui vào quả thì mới hiệu quả.

Trong bài viết này, Fao sẽ cùng bà con tìm hiểu về đặc tính loài sâu đục trái cà tìm cùng cách phòng trừ hiệu quả để đạt được năng suất cao nhất.

Đặc điểm sâu đục quả cà tím

Sâu đục quả cà tím có tên khoa học là Leucinodes orbonalis, thuộc họ Ngài sáng Pyralidae và bộ Cánh vẩy Lepidoptera.

Trưởng thành sâu đục quả cà tím

Con trưởng thành là một loài bướm, có thân dài từ 13-14mm, cánh màu trắng, trên cánh có các đốm màu nâu và hồng.

Bướm đẻ trứng theo từng cụm ở mặt dưới của lá, trên nụ hoa và trái non. Một con cái có thể đẻ tới vài chục trứng. Trứng màu trắng sữa, hình dẹp và xếp theo hình ngói lợp.

Sâu non tuổi nhỏ có màu trắng ngà, sau đó chuyển sang hồng nhạt, đẩy sức dài từ 15-18mm. Nhộng có màu nâu. Trung bình vòng đời sâu kéo dài 30-40 ngày, thời gian sinh trưởng của sâu non từ 15-20 ngày.

Vòng đời sâu đục trái cà tím

Bướm thường ẩn nấp dưới bụi cỏ, đám lá vào ban ngày và hoạt động vào ban đêm. Không chỉ mình trái bị sâu gây hại, mà cả đọt non cũng bị tấn công. Chúng đục vào ngọn và làm ngọn bị héo.

Đối với trái, sâu đục vào trong và để lại một lổ đục nhỏ. Trái nào bị gây hại thì ruột bị rỗng do sâu đã ăn hết phần thịt. Bên trong trái chứa đầy phân của sâu, khiến trái bị hư một phần hoặc toàn bộ.

Sâu đục ngọn cà tím

Nhiều lúc sâu non còn đục vào cuống trái khiến trái không thể lớn hoặc bị héo. Khi gặp mưa, trái bị hại dễ bị thối do lỗ đục bị bội nhiễm vi sinh vật. Lỗ đục để lại trên ngọn, cuống trái và trái đều rất dễ phát hiện.

Sâu hóa nhộng trong trái, thân bị hại hoặc ẩn trong đám lá rụng. Vào mùa mưa sâu gây hại nặng nhất, đặc biệt vào thời kỳ có mưa lớn với ẩm độ không khí cao.

Cách phòng trừ sâu đục quả cà tím

Biện pháp canh tác:

Thăm ruộng hàng ngày, kịp thời phát hiện cành non và trái bị sâu hại thì ngắt bỏ để tiêu diệt sâu trong trái hạn chế sự lây lan của sâu.

Định kỳ vệ sinh ruộng cà tím cho thông thoáng, nhổ bỏ cỏ dại quanh ruộng để ngăn bướm đẻ trứng.

Sử dụng thiên địch:

Trong tự nhiên, sâu đục quả cà tím có các loại thiên địch tấn công như: Các loại ong ký sinh, bọ rửa, rệp Orius sp, bọ cánh lưới, nấm Metarhizium anisopliae (nấm xanh), virut NPV…

Cần tạo điều kiện cho các loài thiên địch này phát triển để giảm số lượng sâu hại và bảo vệ đồng ruộng.

Sâu đục quả cà tím

Biện pháp hóa học:

Việc phun thuốc diệt trừ sâu đục trái cà tím cần phải tiến hành sớm, thời điểm phù hợp nhất là khi phát hiện trưởng thành hoặc trứng hoặc muộn lắm là lúc sâu non mới nở còn chưa chui vào trái.

Nếu phun muộn, khi sâu đục chui vào quả rồi mới phun thì không hiệu quả.

Sử dụng các thuốc sau để phun: Chế phẩm virut NPV, Biocin 16WP, Map-Biti, nhóm thuốc thảo mộc Success 25SC hoặc Vineem 1500EC.

Sâu đục trái là loại sâu có khả năng kháng thuốc cao vì thế cần sử dụng luân phiên thuốc.

Cà tím là quả được thu hoạch liên tục, vì vậy phải hết sức thận trọng khi phun thuốc, chọn các loại thuốc ít độc có thời gian cách ly ngắn.

Sử dụng thuốc cần tuân thủ nguyên tắc “4 đúng”. Tuyệt đối tuân thủ đủ thời gian cách ly để giữ an toàn cho người phun và sức khỏe người tiêu dùng.

Nguồn Sở Nông Nghiệp Bến Tre (25/02/2013).