Kỹ thuật trồng Nấm mối thành công năng suất cao
Kỹ thuật trồng nấm mối đen rất dễ, có giá trị sử dụng cao, nhiều dinh dưỡng tốt cho sức khỏe và có thể chế biến các món ăn ngon. Nắm được các bước trồng nấm mối chuẩn, bà con sẽ thu được năng suất cao với chất lượng nấm tốt, mang lại giá trị kinh tế cải thiện cuộc sống.
Kỹ thuật trồng nấm mối đen trên mùn cưa
Nấm mối đen, còn có tên khoa học là Xerula radicata, có tên đồng nghĩa là Oudemansiella radicata, là loại nấm trồng được quanh năm ở miền đông nam bộ và miền tây của nước ta.
Cách trồng nấm mối đen rất dễ và nấm mối đen dễ chế biến với nhiều món ngon đơn giản. Say đây bài viết hướng dẫn kỹ thuật trồng nấm mối đen trên mùn cưa.
1, Quy trình xử lý nguyên liệu để trồng nấm mối đen
Có thể trồng nấm mối đen trên các loại mùn cưa khác nhau. Tốt nhất là mùn cưa cây cao su hoặc mùn cưa bồ đề.
Không dùng mùn cưa đã bị mốc, mùn cưa các loại cây có tinh dầu hoặc các loại cây gỗ cứng.
Mùn cưa mới dùng ngay là tốt nhất. Nếu dùng dần phải phơi khô, tránh để lên men hoặc bị ẩm, mốc gây mùn hóa làm mất chất dinh dưỡng.
Tạo ẩm, phối trộn nguyên liệu
Kỹ thuật trồng nấm mối đen đầu tiên là chúng ta phải biết tạo độ ẩm thích hợp cho đống mùn cưa bằng cách dùng nước sạch trộn đều với mùn cưa sau khi ta bốc một nắm mạt cưa bóp lại mà nước hơi rỉ nhẹ là đạt độ ẩm thích hợp.
Ủ thành đống, che đậy bằng nilon để mùn cưa ngấm đủ nước và trương nở các tế bào gỗ. Sau vài ngày tiến hành phối trộn nguyên liệu theo tỷ lệ: Mùn cưa đã tạo ẩm 100kg; vôi bột 0,5kg.
Trộn thật đều nguyên liệu với vôi bột, kiểm tra độ ẩm đạt 65%, ủ đống 2 – 3 ngày, đảo đống ủ, ủ tiếp 2 – 3 ngày.
Sau đó tiến hành đóng túi nilon (loại túi PP chịu nhiệt), kích thước túi: 19 x 37cm. Túi có hình dáng một khúc gỗ cao 20 – 22cm, có cổ nút, nút bông và nắp đậy.
Ủ đống khoảng 15 – 20 ngày, đảo 1 – 2 lần, trộn đều với vôi bột và 3 – 5kg cám gạo, sau đó đóng túi.
Cách đóng túi mùn cưa
Kỹ thuật thứ hai để trồng nấm mối đen là kỹ thuật đóng túi mùn cưa: Cho mùn cưa vào dần, vào đến đâu dồn chặt đến đấy (chừa phía trên 5 – 7cm để luồn cổ bịch).
Sau đó túm đầu nilon và cho luồn qua cổ bịch, bẻ quặt xuống để cổ bịch nằm giữa hai lớp nilong. Dùng dây chun buộc chặt cổ bịch lấy bông không thấm nước vê tròn thành nút và nút chặt vào cổ bịch, đậy nắp lại.
Hấp khử trùng túi mùn cưa
Kỹ thuật thứ ba để trồng nấm mối đen là kỹ thuật hấp khử trùng (ở khâu này cực kỳ quan trọng các bạn cần tuân thủ đúng quy trình):
Hấp phôi mùn cưa trong thùng phuy (hấp cách thủy), thời gian từ 10 – 12 giờ, nhiệt độ trong giữa túi mùn cưa đạt từ 95˚C – 100˚C.
Nếu có nồi áp suất, hấp ở nhiệt độ : 120˚C – 125˚C trong thời gian từ 120 – 180 phút. Để triển khai sản xuất lớn, ta dùng phương pháp hấp trong hơi nước bão hòa, thời gian từ 9 – 10 giờ bằng cách xây lò.
Mỗi mẻ hấp có thể hấp từ 600 – 800 túi mùn cưa, tùy theo thể tích của buồng hấp nhỏ hay lớn.
2, Kỹ thuật cấy giống nấm mối đen
Kỹ thuật thứ tư để trồng nấm mối đen là kỹ thuật cấy giống: Sau khi đã hấp, chuyển túi mùn cưa ra phòng cấy, để nguội rồi tiến hành cấy giống.
Cách 1: (Kỹ thuật trồng nấm mối đen bằng meo hạt)
Nếu sử dụng giống làm trên hạt thì dùng que sắt khều giống từ lọ hoặc túi giống sang túi mùn cưa lắc đều lên trên bề mặt túi. Tỷ lệ giống cấy 1,2% so với trọng lượng túi mùn cưa.
Cách 2: (Kỹ thuật trồng nấm mối đen bằng meo que)
Nếu sử dụng giống làm trên que thì dùng pen vô trùng kẹp nhẹ nhàng que giống chuyển sang các lỗ cấy giống đã dùi từ trước trong túi mùn cưa cấy 1 que giống, đầu trên của que giống sát với lề mặt túi mùn cưa.
Quá trình cấy giống phải làm trong phòng kín, sạch sẽ và thao tác trên ngọn lửa đèn cồn.
Sau khi cấy giống chuyển các túi mùn cưa vào phòng ươm sợi.
Thông thường thời gian để ủ tơ nấm kín bịch trong giai đoạn này là mất hết 60 đến 75 ngày.
3, Phủ đất tạo quả thể
Kỹ thuật thứ năm để trồng nấm mối đen là kỹ thuật phủ đất để tạo quả thể:
Ở giai đoạn này ta có 2 phương pháp để kích thích tơ nấm tạo quả thể đó là tạo quả thể trong bịch và tạo quả thể bằng cách chôn bịch thành từng luống ngoài đất.
Kỹ thuật trồng nấm mối đen tạo quả thể trong bịch:
Các bịch cơ chất sau khi tơ nấm ăn kín bịch sẽ được mở cổ bịch và phủ một lớp đất hoặc cát lên khoảng 2,5 – 3cm và xếp sát nhau.
Kỹ thuật trồng nấm mối đen tạo quả thể bằng cách trồng luống:
Ta tiến hành bóc bỏ túi nilon, xếp bịch sát nhau rồi phủ đất đã được ủ bột nhẹ và trấu, phủ qua mặt bịch 2,5 – 3 cm.
Sau khi phủ đất cần tưới nước 2 lần trong ngày đối với 2 cách tiến hành trên. Không được tưới nhiều nước quá sẽ bị trôi đất.
Những ngày tiếp theo chỉ tưới nước nhẹ, lượng nước giảm để giữ ẩm, nhiệt độ thích hợp để nấm hình thành quả thể và phát triển khoảng 24 – 32oC, độ ẩm 95 – 98%.
4, Chăm sóc và thu hoạch nấm mối đen
Sau 20 – 30 ngày thì nấm mối đen hình thành quả thể (không được để mặt đất khô nếu khô sẽ bị chết nấm).
Luôn giữ ẩm bề mặt đất nhưng không quá ẩm. Từ khi ra quả thể đến khi nấm phát triển trưởng thành và thu hoạch lứa đầu khoảng 2 – 4 ngày.
Tưới nước:
Sau khi quả thể nấm hình thành, dùng vòi nước tưới nhẹ, độ ẩm không khí 95 – 98%, cần tưới 2 – 3 lượt nước cho một ngày.
Tùy vào điều kiện khí hậu, nấm mối đen khoảng sau 2 – 4 ngày chăm sóc thì thu hoạch nấm lần 2. Mỗi bịch nấm cho nhiều lần thu hoạch
Thu hoạch nấm:
Nấm mối đen mọc đơn lẻ, nên khi cây nào đủ trưởng thành sẽ được hái trước, hái sạch gốc.
Hái nấm đúng độ tuổi (nấm mối đen trưởng thành có thân dài khoảng 10 – 15 cm, thân cây tròn 1,5 – 2 cm, tai nấm hình mũ nồi tròn 3 – 5 cm, nở xòe đầy đặn có thể đến 10 – 15 cm.
Màu đất nâu xám hoặc màu xám trắng lúc còn non.
Khi già nấm trở màu trắng ngà như gạo nếp, mũ nở hình dù rộng 8 – 15 cm).
Nên hái nấm vào buổi sáng, nếu có điều kiện ta có thể thu hái nấm mỗi ngày 2 lần vào buổi sáng sớm và chiều tối, nấm sẽ luôn đẹp vì không có nấm quá tuổi. Thời gian thu hái kéo dài 16 ngày (mỗi đợt).
Trên đây là toàn bộ quy trình trồng nấm mối đen thành công giúp năng suất cao và mang lại hiệu quả. Hy vọng sẽ bổ ích và chức bà con mùa màng bội thu.