Trồng Trọt & Chăm Sóc

Kỹ thuật trồng Ớt chuông đỏ và vàng tại nhà trong chậu hoặc thùng xốp

Ớt chuông là loại quả chứa nhiều dinh dưỡng, đặc biệt là vitamin A tốt cho sức khỏe con người, thường được dùng để chế biến nhiều món ăn. Ớt chuông có mùi vị không có vị quá cay, phù hợp với khẩu vị của nhiều người, ngoài ra nó còn rất bổ cho thị giác.

Cách trồng ớt chuông không hề khó, nhưng cũng đòi hỏi công sức chăm sóc để cho sai quả, màu đẹp, mọng nước và nhiều thịt. Hôm nay, mình sẽ chia sẻ với bạn kỹ thuật trồng ớt chuông trong chậu bằng hạt lấy từ quả hoặc hạt đóng gói nhé.

Thời vụ trồng ớt chuông

Thời vụ trồng ớt chuông ở nước ta chia thành 2 vụ là vụ đông xuân và vụ xuân hè.

Ớt chuông là gì

Với vụ đông xuân cây sẽ cho năng suất cao nhất, xuân hè là trái vụ nên thường sẽ cho giá bán cao hơn vụ chính.

Đất trồng ớt chuông

Nếu trồng trong chậu hoặc thùng xốp thì mình sẽ đề cập tới đất khi hướng dẫn trồng cụ thể ở phần tiếp theo.

Còn trồng trong vườn (ngoài ruộng) thì ớt chuông sinh trưởng tốt nhất nếu đất đai màu mỡ hoặc loại đất cát pha thịt nhẹ có độ PH hơi axit.

Trước khi trồng ớt chuông, nên bón lót bằng phân chuồng hoai mục và vôi bột để xử lý mầm bệnh, đồng thời bổ sung thêm dinh dưỡng vào đất.

Cách trồng ớt chuông tại nhà

1. Lựa chọn hạt ớt chuông giống

Hạt giống trồng ớt chuông

Chúng ta có thể trồng ớt chuông bằng hạt lấy từ trái hoặc hạt đóng gói. Hạt từ trái có ưu điểm là dễ nảy mầm, số lượng cây con nhiều. Còn hạt đóng gói thì cây con rất khỏe.

Tuy nhiên, hạt đóng gói sẽ khó nảy mầm hơn và có số lượng cây con ít. Bạn căn cứ vào nhu cầu của bản thân mà lựa chọn loại phù hợp.

2. Xử lý hạt giống ớt chuông

Với hạt lấy từ trái:

Bổ quả ớt chuông và tách lấy hạt.

Trồng ót chuông bằng hạt lấy từ quả

Loại này có thể gieo trồng trực tiếp, mình sẽ hướng dẫn ở phần tiếp theo.

Với hạt đóng gói:

Số lượng hạt ớt chuông đóng gói rất ít, chỉ có hơn 10 hạt.

Trồng ớt chuông bằng hạt đóng gói

Bạn lấy ra 2 cái khăn ướt, giặt sạch. Rồi cho hạt vào trong khăn để tiến hành ủ.

Cách ủ hạt ớt chuông

Mình phát hiện sau khi ngâm rồi ủ thì hạt thường bị úng, vì vậy mình không ngâm mà cho vào khăn ủ luôn.

Cuộn hạt giống vào trong khăn, nhúng vào nước, rồi vắt bớt sao cho lượng nước còn lại trong khăn vừa phải.

Cách ủ hạt ớt chuông 2

Cho vào 1 cái hũ nhựa để ủ, đặt ở nơi thoáng mát, không để gần nơi có nguồn nhiệt cao, không để trong phòng có máy lạnh và không cho ánh nắng mặt trời trực tiếp chiếu vào.

Cách ủ hạt ớt chuông 3

Hạt ớt chuông rất dễ gặp tình trạng bị úng, vì vậy trong 3 ngày đầu phải rửa hạt và giặt khăn mỗi ngày 1 lần. Các ngày tiếp theo không cần làm nữa.

Dưới đây là kết quả sau 8-12 ngày ủ, đã có hạt nảy mầm. Việc tiếp theo lấy những hạt đã nảy mầm đó mang đi gieo.

Cách ủ hạt ớt chuông 4

3. Cách gieo hạt ớt chuông

Đối với hạt đóng gói:

Do số lượng hạt ít, nên sau khi nảy mầm mình sẽ trồng vào viên nén xơ dừa để nó phát triển tốt hơn.

Cách gieo hạt ớt chuông

Sau khi trồng xong thì tưới nước cho chúng.

Cách gieo hạt ớt chuông 2

Đối với hạt lấy từ trái:

Do số lượng hạt nhiều và dễ nảy mầm nên mình gieo thẳng vào đất.

Trộn đất thường với phân bò khô đóng túi đã qua xử lý hoặc phân trùn quế hoặc loại phân hữu cơ khác cũng được.

Làm đất gieo hạt ớt chuông

Sau khi trộn đều, cho vào chậu và gieo hạt ớt chuông lên, rồi phủ lên một lớp đất mỏng và tưới nước.

Gieo hạt ớt chuông vào chậu

Gieo hạt ớt chuông vào chậu 2

Hạt ớt chuông lấy từ trái chỉ sau 2 ngày gieo là có thể nảy mầm, hình ảnh bên dưới là sau 1 tuần.

Kỹ thuật trồng ớt chuông 1

4. Kỹ thuật trồng ớt chuông

Khi cây con đủ lớn, ta có thể tách ra trồng ở nơi rộng rãi hơn.

Cách trồng ớt chuông tại nhà

Đất trồng là hỗn hợp đất thường, phân bò, giá thể mùn dừa và phân trùn quế theo tỷ lệ 2:2:2:1.

Đât trồng ớt chuông bằng chậu

Lưu ý: Giá thể mùn dừa là mùn dừa đã qua xử lý, có thể thay mùn dừa bằng tro trấu, thay đất thường bằng đất thịt hoặc đất cát.

Cây ớt chuông không kén đất, nếu không có đủ giá thể trên, thì có thể dùng đất thường trộn với phân bò hoặc phân dê đã ủ hoai.

Tách cây con cả bầu rồi trồng vào chậu, mỗi chậu 1 cây. Chú ý tránh làm đứt rễ cây. Trồng xong thì tưới nước.

Cách trồng ớt chuông trong chậu tại nhà

Kỹ thuật trồng ớt chuông trong chậu

Khi mới sang chậu, nên đặt chỗ mát vài ngày để cây phục hồi, rồi mới mang ra nắng.

Hình ảnh bên dưới là cây ớt chuông sang chậu được 1 tháng, mình rào tre lại để tránh bì gà phá.

Kỹ thuật trồng ớt chuông 2

Ớt chuông trồng ở xứ nóng hay ra hoa rất sớm từ thân chính, nhưng thường phát triển kém hoặc không đậu quả được.

Vì vậy để cây phát triển to khỏe hơn, sau 1 tháng trồng, mình thường cắt ngọn chính của những cây lớn để nó ra nhánh.

Cắt ngọn cho ớt chuông

Đây là cây ớt chuông sau 3 tuần cắt ngọn.

Cây ớt chuông sau 3 tuần cắt ngọn

Lưu ý: Khi trồng ớt chuông, bạn sẽ bắt gặp tình trạng có cây bị quăn queo ngọn, không phát triển. Đối với những cây đó bạn đừng nhổ bỏ, mà hãy áp dụng cách cắt bỏ ngọn như bên trên. Đảm bảo vài tuần sau cây sẽ phát triển bình thường.

Đây là cây ớt chuông sau 4 tuần cắt ngọn.

Cây ớt chuông sau 4 tuần cắt ngọn

Đã có một trái non.

Cây ớt chuông đã đậu quả

Khi ớt chuông lớn, tiếp tục thay vào chậu mới rộng rãi hơn, hỗn hợp đất trồng như đã trình bày bên trên. Hoặc cũng có thể trồng trực tiếp xuống đất.

Sang chậu mới cho ớt chuông

Chú ý: Sang nguyên cả bầu.

Chế độ chăm sóc cây ớt chuông

Trong công đoạn chăm sóc cho cây, mình sẽ phân chia ra 3 chế độ để bạn dễ dàng thực hiện, đảm bảo cây có thể sinh trưởng, phát triển tốt nhất.

Chế độ chăm sóc này áp dụng cho ớt chuông trồng ngoài ruộng, còn trong chậu thì cứ làm như bên trên mình hướng dẫn là được.

1. Chế độ nước

Ớt chuông là giống cây đòi hỏi lượng nước tưới khá dồi dào. Chính vì vậy sau khi trồng bạn tưới nước đều đặn và duy trì độ ẩm của đất.

Độ ẩm thích hợp nhất trong khoảng 75-80%. Lưu ý không để phần rễ bị ngập úng, vì có thể tạo môi trường cho mầm bệnh sinh sôi.

2. Cắt tỉa cỏ dại và cành cây

Với những cây cho nhiều lá và cành thì nên cắt tỉa bớt lá già và khô héo, chỉ để lại những lá ngon và xanh tươi. Thường xuyên nhổ sạch cỏ dại, giúp đất được thông thoáng, sạch sẽ và tập trung chất dinh dưỡng nuôi cây.

3. Chế độ bón phân cho cây

Tùy vào độ dinh dưỡng của đất và thời gian phát triển của cây mà bón phân. Sau khoảng nửa tháng từ khi cấy cây, bạn thực hiện bón lót lần đầu tiên bằng phân NPK hoặc phân chuồng ủ hoai mục.

Lần thứ 2 thực hiện bón sau đó khoảng nửa tháng và lần thứ 3 là khoảng thời gian sau đợt 2 một tháng. Sau mỗi lần thu hoạch, cần bón thêm phân và vun xới giúp đất thật tơi xốp.

Kỹ thuật chăm sóc ớt chuông

Thu hoạch ớt chuông

Trồng ớt chuồng thường sau 3 tháng là có thể thu hoạch những quả đầu tiên. Trong năm đầu, cây sẽ cho ra hoa liên tục và có thể thu hoạch nhiều lứa.

Tùy thuộc vào nhu cầu sử dụng của từng người mà có thể thu hoạch từ lúc còn xanh hay lúc quả ngả đỏ hoặc ngả vàng.

Khi hái những trái ớt chuông nên hái cả cuống, lưu ý không làm ảnh hưởng tới chùm hoa và những quả non. Nếu không bị ảnh hưởng bởi sâu bệnh phá hoại, hay các yếu tố bên ngoài thì năng suất trung bình có thể đạt 3 tạ/sào.

Như vậy là chúng ta đã tìm hiểu xong cách trồng ớt chuông và kỹ thuật chăm sóc. Qua bài viết này, mình hy vọng bạn đọc có thể tự tay trồng những cây ớt cho trái căng mọng, thơm ngon trong chính sân vườn nhà mình nhé. Chúc thành công!

(Bài viết được tham khảo từ kênh Youtube của anh Quốc Thịnh Lê, bạn đọc có thể vào kênh anh ấy để xem video hướng dẫn)

Fao.Org.Vn

Tôi là Founder của Fao.Org.Vn, tôi đang triển khai dự án Website chia sẻ về kiến thức về nông nghiệp bao gồm tư vấn trồng trọt chăm sóc cây trồng, tư vấn về tác dụng và cách sử dụng cây thuốc nam. Hy vọng sẽ bổ ích với bạn đọc!

Related Articles

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button