Cũng tương tự như gừng, tỏi là một gia vị thường xuyên xuất hiện trong thực đơn mỗi bữa ăn của những gia đình Việt. Hơn nữa việc trồng tỏi để sử dụng tại gia lại vô cùng đơn giản, đã được rất nhiều người áp dụng.

Công dụng của tỏi không chỉ bó hẹp trong những gian bếp, tỏi còn có công dụng vươn xa trong việc phòng và chữa trị nhiều loại bệnh, đặc biệt tỏi còn được đánh giá là “khắc tinh” của nhiều loại bệnh ung thư.

Thậm chí trong suốt khoảng thời gian Chiến tranh Thế giới thứ hai diễn ra, những bác sĩ Anh đã sử dụng tỏi như một chất kháng sinh để điều trị vết thương cho các binh sĩ.

Thay vì phải bỏ tiền ra mua tỏi “lạ” ngoài chợ, bạn có thể tận dụng những vật dụng ngay trong góc nhà như thùng xốp, chai nhựa, chậu cây để tự tay trồng tỏi tại nhà, chỉ vài tháng sau là bạn đã sở hữu những củ tỏi sạch ăn mãi chẳng hết.

Hiện tại, cách trồng tỏi thủy canh là phương pháp dễ dàng thực hiện đang được nhiều chị em xôn xao chia sẻ, truyền tai nhau.

Đến với bài viết hôm nay, Fao sẽ hướng dẫn cho các bạn kỹ thuật trồng tỏi ta cũng như trả lời câu hỏi mà nhiều người thắc mắc: trồng tỏi vào tháng mấy, quy trình trồng tỏi như thế nào để đạt được năng suất cao.

Cây tỏi có đặc điểm gì?

Tỏi là giống cây nhỏ có củ, chiều cao của cây khoảng 60 cm, một củ tỏi gồm nhiều múi tỏi (tép tỏi), lá phẳng mỏng, hoa có màu trắng hoặc hồng. Là giống cây có khả năng chịu lạnh và ưa nhiêt độ mát, cây chịu hạn kém và không chịu được tình trạng ngập úng kéo dài.

Trồng tỏi

Thực hiện kỹ thuật trồng tỏi mặc dù vốn đầu tư thấp nhưng hiệu quả kinh tế thu được cao hơn những loại rau ăn lá khác. Trồng tỏi có năng suất bình quân đạt 8 tới 10 tấn củ khô/ha.

Kỹ thuật chọn giống tỏi

Có nhiều giống tỏi khác nhau như tỏi địa phương có tỏi trâu, tỏi gié được trồng nhiều tại những tỉnh miền núi phía Bắc. Tại những tỉnh duyên hải miền Trung có trồng giống tỏi nhập nội, củ to được gọi là tỏi tây. Ở những vùng tỏi chuyên canh như: Vĩnh Phúc, Hưng Yên,… những người nông dân tại đây thường trồng 2 giống tỏi nhập khẩu từ Trung Quốc là tỏi tía và tỏi trắng.

Tỏi trắng có đặc điểm là lá mang màu xanh đậm, to bản, củ to. Đường kính củ tỏi đạt tới 4 đến 4,5cm. Khi thu hoạch vỏ lụa củ mang màu trắng tinh khôi. Giống tỏi này có khả năng bảo quản không cao, thường hay bị óp.

Đặc điểm của loại tỏi tía là lá dày, cứng, màu lá xanh nhạt. Củ chắc và mùi vị cay hơn so với tỏi trắng. Dọc thân gần củ tỏi có màu tía. Tới thời gian thu hoạch thì có màu trắng ngà.Chọn giống trồng tỏi

Mỗi củ có tầm 10 đến 11 nhánh. Đường kính củ dao động từ 3,5 đến 4cm. Giống này được người ta lựa chọn trồng nhiều hơn so với tỏi trắng.

Năng suất của 2 giống tỏi thu được đạt trung bình từ 8 đến 10 tấn củ khô/ha. Tỏi giống nên lựa chọn những nhánh từ củ chắc, khối lượng củ khoảng 12 đến 15g, có từ 10 đến 12 nhánh.

Trồng tỏi vào tháng mấy?

Trồng tỏi vào tháng mấy thì đạt năng suất cao, cây được khỏe mạnh? Tại đồng bằng sông Hồng, cây tỏi nằm trong công thức luân canh giữa 2 vụ lúa nên thời gian phù hợp để trồng tỏi là từ 25 tháng 9 cho tới 5 tháng 10.

Thu hoạch 30 tháng 1 đến 5 tháng 2 vẫn đảm bảo đủ thời gian để cây phát triển và không ảnh hưởng tới thời vụ của lúa. Tại khu vực miền Trung, trồng tỏi vào tháng 9 tới tháng 10, thu hoạch củ trong tháng 1 đến tháng 2.

Cách trồng tỏi cho năng suất cao

Hãy thực hiện theo đúng quy trình mà Fao hướng dẫn trồng tỏi dưới đây để năng suất cũng như chất lượng củ tỏi thu được là cao nhất nhé.

Đất được sử dụng để trồng tỏi chọn chân vàn cao, có khả năng thoát nước sau khi gặt xong lúa mùa sớm, tiến hành làm đất kỹ và lên luống ngay để tránh gặp phải mưa.

Làm luống có độ rộng từ 1,2 đến 1,5m, rãnh 0,3m. Sau khi hoàn thành xong việc lên luống, rạch hàng rồi tiến hành bón phân. Mỗi luống trồng tỏi có 5 đến 6 hàng, khoảng cách giữa các hàng là 20cm.

Muốn sản xuất, các bạn phải bồi lên trên 1 lớp đất thịt có độ dày khoảng 2cm. Sau khi đầm chặt lớp đất thịt, tiếp tục rải đều lên bề mặt 1 lớp phân chuồng, sau đó phả lên 1 lớp cát được lấy từ biển với độ dày khoảng 2cm rồi mới bắt tay vào trồng tỏi.

Lớp đất thịt đảm bảo được nhiệm vụ nuôi bộ rễ và bổ sung cho cây tỏi một vài vi lượng. Còn lớp cát đá vôi được lấy từ biển trộn cùng với san hô vỡ vụn ở trên mặt tạo độ xốp giúp cho củ tỏi sinh trưởng, nở to.

Mỗi ha cần lượng tỏi là 1 tấn tỏi giống (37kg/sào Bắc Bộ), khoảng cách mỗi nhánh khi trồng tỏi là từ 8 đến 10cm, ấn sâu xuống đất 2/3 chiều cao của nhánh tỏi, phủ đất nhỏ lên trên. Sau khi trồng tỏi, bạn nên sử dụng rơm rạ đã băm nhỏ phủ một lớp dày chừng 5cm để giữ ẩm và ngăn ngừa cỏ mọc.Kỹ thuật trồng tỏi

Kỹ thuật bón phân cho cây tỏi

Việc bón phân trong khoảng thời gian thực hiện cách trồng tỏi là không thể thiếu, giúp cho cây được khỏe mạnh, phát triển nhanh chóng. Cách bón phân dưới đây tính cho 1ha đất được sử dụng để trồng tỏi.

Bón lót, rải đều theo từng hàng và trộn kỹ thành một hỗn hợp: Lượng phân chuồng nằm trong khoảng 15.000 đến 20.000kg (nếu đất chua, bạn tiến hành bón thêm 500kg vôi bột). NPK-S 5.10.3-8: bón với lượng từ 660 đến 720kg.

Sau đó bạn bắt tay vào việc bón thúc, gồm 3 lần bón, cụ thể như sau:

  • Bón thúc 1 sau trồng tỏi 14 tới 21 ngày: NPK-S 12.5.10-14: bón với liều lượng từ 190 đến 220kg.
  • Bón thúc 2 sau đợt 1 khoảng 20 đến 25 ngày: NPK-S 12.5.10-14: Bón với liều lượng 190 đến 220kg.
  • Bón thúc 3 sau đợt 2 khoảng 15 đến 20 ngày: NPK-S 12.5.10-14: Bón một lượng từ 190 đến 220kg.

Kỹ thuật chăm sóc và trừ sâu bệnh cho tỏi

Trong suốt khoảng thời gian trồng tỏi, việc tỏi gặp phải sâu bệnh là khó tránh khỏi, tuy nhiên khi thấy tỏi có dấu hiệu bị nhiễm bệnh bạn nên nhanh chóng tiêu diệt chúng, tránh lây lan mạnh ra toàn cây.

Thường xuyên tưới nước đều cho tới khi cây mọc và khi có 3 đến 4 lá thật thì giảm lượng nước tưới đi, thấm lên dần. Tổng thời gian phát triển tưới 4-5 lần. Trước mỗi lần tưới rãnh nên kết hợp với việc bón thúc phân.

Cây tỏi thường gặp phải những bệnh như: Bệnh sương mai (có tên khoa học là peronospora destructor unger), bệnh than đen (tên khoa học là urocystis cepula porost).

Để tiêu diệt những loại bệnh này bạn cần sử dụng những loại thuốc bảo vệ thực vật đã được cho phép đối với từng loại bệnh. Củ thương phẩm thu hoạch sau khi trồng là 125 tới 130 ngày lúc lá đã già, gần khô.

Phòng bệnh tốt nhất là thời điểm trước khi bệnh hình thành, phun dung dịch Boócđô 1%  theo định kì (1 kg phèn xanh + 1 kg vôi cục + 100 lít nước lã) hay Zineb 80%, hoặc Ziram 90% pha 2 đến 4 phần nghìn và phun với liều lượng từ 18 đến 20 lít/sào.

Nếu bạn trồng 1 sào tỏi cần chuẩn bị 2 kg phèn xanh hay 8 kg thuốc Zineb. Ngoài ra, những ngày có sương nên tưới để rửa sương cho cây hay có thể rắc tro bếp cũng là biện pháp tốt.

Chăm sóc cây tỏi

Bệnh than đen (có tên khoa học là Urocystis cepula Prost.). Bệnh hình thành trên củ, khi củ sắp vào giai đoạn thu hoạch và cả trong thời điểm bảo quản. Cách ly những củ bị nhiễm bệnh. Sử dụng Zineb 80% để tiêu diệt loại bệnh này.

Thu hoạch và bảo quản tỏi

Chắc chắn đây là giai đoạn mà mọi người mong chờ nhất trong suốt quãng thời gian trồng tỏi phải không nào, tuy vậy cũng đừng thu hoạch quá sớm, hãy dựa vào đặc điểm của củ cũng như thời gian từ khi bắt đầu trồng tỏi mà bắt tay vào thu hoạch nhé.

Khi cây vừa tàn lá gốc, chóp những lá phía trên cũng bắt đầu khô, thì lúc này là tỏi đã già, có thể thu hoạch để sử dụng. Củ thương phẩm thu hoạch sau khi trồng 125 đến 130 ngày, tới thời điểm lá đã già, gần khô.

Tiến hành nhổ củ, giũ sạch đất bó thành những chùm, treo trên dây ở nơi thoáng mát để bảo quản. Nếu có số lượng lớn bạn nên để vào kho, trên giàn nhiều tầng.

Củ giống phải có thời gian phát triển trên 140 ngày. Chọn những củ có đường kính từ 3,5 đến 4cm, có 10 đến 12 nhánh, không bị nhiễm bệnh để riêng, bó thành những bó nhỏ rồi treo ở vị trí thoáng mát.

Như vậy là chúng ta đã tìm hiểu xong về cách trồng tỏi cũng như những kỹ thuật, cách chăm sóc tỏi rồi. Qua bài viết này, Fao hy vọng bạn có thể tự tay trồng cho mình những củ tỏi đạt năng suất cao, thu được lợi ích kinh tế lớn nhé. Chúc các bạn thành công!